* Sửa lỗi chức năng lập lịch trình và hiển thị thông tin điểm trên Google map
* Thay đổi thứ tự sắp xếp các điểm
Tỉnh Bắc Kạn nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, cách Thủ đô Hà Nội 168 km về phía Bắc, tiếp giáp với 4 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Diện tích tự nhiên 4.795, 54km2, mật độ dân số trung bình 58 người/km2, gồm 7 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Sán Chay, Mông, Hoa. Nhiệt độ trung bình hàng năm 22,50C.
Bắc Kạn có suối đãi vàng
Có hồ Ba Bể có nàng áo xanh
Hồ Ba Bể di tích danh thắng tự nhiên đẹp của Bắc Kạn, được công nhận là di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt (năm 2012). Năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là vườn di sản ASEAN, năm 2011 được công nhận là khu RAMSAR thứ 3 của Việt Nam. Hiện nay đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Đến với Bắc Kạn, quý khách sẽ được thăm các căn cứ địa cách mạng, nổi bật nhất là ATK Chợ Đồn – Đây là một trong những khu căn cứ mà Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ đã sống, hoạt động, lãnh đạo dân tộc ta trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hiện nay, ATK Chợ Đồn đang được phục dựng theo quy hoạch tổng thể “Chiến khu Việt Bắc” của Chính phủ.
Bắc Kạn là xứ sở của các dạng địa hình Caxtơ điển hình, tiêu biểu là các hang động kỳ vĩ như: Động Puông, động Hua Mạ, động Nàng Tiên, động Thạch Long… Diện tích hang động có nơi rộng từ hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông, với các nhũ đá, cột đá hình thù sinh động, độc đáo.
Đến Bắc Kạn, du khách còn được tham quan các điểm du lịch khác như: Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Đền Thắm, chùa Thạch Long, du ngoạn trên sông Cầu, sông Năng… Đặc biệt, du khách còn được đến thăm các bản làng dân tộc với những nét văn hoá truyền thống đặc sắc, được thưởng thức hương vị ngọt ngào (đặc trưng) của hồng không hạt, lê, cam quýt....và những món ăn truyền thống (đặc biệt) của núi rừng Việt Bắc.
Với tài nguyên du lịch hấp dẫn cùng với sự nhiệt tình mến khách của người dân nơi đây, chắc chắn du khách sẽ cảm thấy hài lòng và thu được nhiều điều bổ ích sau chuyến đi du lịch Bắc Kạn.